28/10/2024 10:01

Ô nhiễm không khí – ‘kẻ giết người thầm lặng’

Những ngày vừa qua, Hà Nội đã trải qua tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng với chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) trung bình mỗi ngày từ 154 - 177 đơn vị (mức xấu, người dân cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết). Bên cạnh đó, chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng ở mức rất cao, gấp hàng chục lần so với giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Ô nhiễm không khí – ‘kẻ giết người thầm lặng’

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng như thế nào?

Theo ứng dụng theo dõi chất lượng không khí VN AIR (thông tin được công bố từ nguồn dữ liệu quan trắc do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện), lúc 8 giờ ngày 17/10, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng không khí tại một số điểm của Hà Nội ở mức kém và xấu.

Cụ thể, tại điểm đo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (số 556 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 151 - tương ứng với thang màu đỏ, thể hiện chất lượng không khí ở mức xấu; điểm đo tại cổng Trường Đại học Bách Khoa (đường Giải Phóng) chỉ số AQI là 106 - tương ứng với thang màu cam, thể hiện chất lượng không khí ở mức kém.

Hệ thống tổng hợp chất lượng không khí IQAir (tổ chức sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí), sáng 14/10, không khí tại Hà Nội ở mức không an toàn, chỉ số AQI lên tới 160. Nguyên nhân là do bụi mịn PM2.5 gấp 13,6 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Cùng với đó, tại Hà Nội một số điểm có chỉ số AQI cao như: Cửa Nam (160), Thành Công (151), Ngọc Lâm (160), ngoài ra một số khu vực ngoại ô cũng ghi nhận chỉ số AQI trên 160 đến 180. Thậm chí khu vực bán đảo Quảng An (Tây Hồ) còn có chỉ số AQI lên tới 203 vào lúc 9h sáng. Đây là mức rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời điểm ô nhiễm không khí tại một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội. Khi chất lượng không khí ở mức từ 100 trở lên sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng, đối với nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Vậy bụi mịn là gì? Theo các chuyên gia y tế, bụi là danh từ chỉ một hỗn hợp phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn, có khả năng bay lơ lửng trong không khí. Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter, ký hiệu PM. Giới chuyên môn định nghĩa bụi mịn pm2.5 là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống (so với sợi tóc con người thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần). Bụi mịn PM2.5 được hình thành từ các chất như nitơ, carbon và các hợp chất kim loại khác.

Khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí ở ngoài trời tăng lên thì sẽ làm cho không khí bị mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Bụi mịn PM2.5 có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp và gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư... Người thường xuyên phải tiếp xúc với bụi mịn có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe như hắt hơi, sổ mũi, khó thở, khô mắt... khi tiếp xúc lâu dài thì sẽ giảm chức năng phổi, viêm phế quản mãn tính và tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim ở người bệnh.

Ngoài ra bụi mịn PM2.5 còn được mệnh danh là sát thủ có thể thúc đẩy, làm đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh xơ gan và làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường.

Có thể gây tổn hại hầu hết nội tạng trong cơ thể người

Về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, chất lượng không khí xấu, trong đó có bụi mịn PM2.5 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Dù những người khỏe mạnh có thể khó cảm nhận ngay, nhưng theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp và nhiều cơ quan khác của con người. Cũng theo ông Tùng, do bụi mịn PM2.5 kích thước quá nhỏ nên phòng chống rất khó, chúng thường bay lơ lửng trong không khí, có thời gian lắng xuống, nhưng chỉ cần một đợt gió sẽ bay lên cao, khi có mưa bụi mịn PM2.5 mới được rửa trôi.

Để bảo vệ sức khỏe trước những ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến chất lượng không khí qua app VN AIR (cài đặt trên hệ điều hành Android, IOS) và trang web: https://cem.gov.vn, https://enviinfo.cem.gov.vn.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng Nhi - Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, nhiều người thường lầm tưởng ô nhiễm không khí chủ yếu ảnh hưởng đến phổi và hệ hô hấp. Nhưng theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học, không khí ô nhiễm có thể gây tổn tại cho hầu hết nội tạng trong cơ thể người. Có thể gây nên một số bệnh như nhiễm trùng hô hấp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư phổi, bệnh trực tiếp bị ảnh hưởng nhiều nhất là tình trạng của đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên thường xuyên tiếp xúc với không khí bên ngoài, không khí bên ngoài ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống niêm mạc, tế bào đường hô hấp trên. Nếu đường hô hấp trên bị nhiễm khuẩn sẽ tạo ra viêm xoang, viêm tai giữa và sâu hơn nữa là các nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới gây ra các bệnh về phổi, phế quản. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện.

Phân tích rõ hơn về tác hại của bụi mịn và chất lượng không khí, bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng Khoa Nội tiết - Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí, khi nồng độ tăng lên, không khí sẽ mờ đi và tầm nhìn bị giảm trông giống như sương mù. Khi vào cơ thể, bụi mịn sẽ xâm nhập vào đường thở, gây tổn thương niêm mạc khí quản, phế quản. Chúng còn đi sâu vào các phế nang, nơi tận cùng của cơ quan trao đổi khí, làm viêm, xơ hóa phế nang dẫn đến nhiều bệnh lý về hô hấp. Nếu tiếp xúc lâu dài, bệnh diễn biến phức tạp, gây các bệnh phổi mạn tính. Ngoài ra, bụi mịn kích thước quá nhỏ xuyên qua phế nang mao mạch vào trong tuần hoàn cơ thể, gây tổn thương tim mạch, đột quỵ não, ảnh hưởng não bộ nếu tiếp xúc lâu dài.

WHO từng đưa ra nhận định ô nhiễm không khí là "kẻ giết người thầm lặng". Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp liên quan ô nhiễm không khí.

Chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao; nếu phải tham gia giao thông nên tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng xe máy, xe đạp để giảm tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm. Đồng thời, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực bị ô nhiễm không khí; vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường.

Đối với những người nhạy cảm (người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh về đường hô hấp…), tránh các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động vận động cần gắng sức; vận động, tập thể dục trong nhà; theo dõi sức khoẻ, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Tags:

môi trường

Tin cùng chuyên mục